Trong một lần trekking với các đồng nghiệp cùng công ty đến Tà Năng – Phan Dũng, chúng mình có tổ chức hoạt động ném “bom hạt giống”. Thuật ngữ này đã xuất hiện từ lâu nhưng mãi đến tận bây giờ nhiều người vẫn chưa thấy bom hạt ngoài đời trông sẽ như thế nào?
Bom hạt giống là một phát kiến đã xuất hiện từ những năm 1938 bởi một nhà vi sinh vật học, nông dân và là một nhà triết học Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”. Ông Fukuoka là người đã dẫn lối cho thế giới đi theo con đường canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên. Phương pháp của ông trông có vẻ cực kỳ đơn giản và không gây ô nhiễm môi trường bởi ông không sử dụng máy móc hay hóa chất nào cả trong suốt quá trình canh tác, thậm chí không cần phải làm cỏ.
Ném bom hạt cũng là một phần trong canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên của ông. Lúc mới đọc xong cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” mình cũng đã mơ về một ngày nào đó mình sẽ giống như ông Fukuoka. Nhưng các bạn cũng thấy, rằng để đạt được thành quả đó, ông đã phải mất gần 30 năm mới thật sự hoàn thiện. Những lý lẽ của mình có thể đúng nhưng mình chẳng thể thuyết phục bố mẹ mình làm theo bởi “trăm nghe không bằng mắt thấy”, mà chưa kể không làm gì đồng nghĩa với việc cỏ mọc xanh lối, côn trùng thì tấn công triền miên.
Vậy thì sao? Nếu không thay đổi được cục diện lớn thì mình lại chọn quay vào bên trong mình nhiều hơn, mình làm tốt thì chắc chắn điều lành sẽ được nhân đôi. Và mình chọn thay đổi từng việc nhỏ hàng ngày.
Ngôi nhà chung của chúng ta càng dần mất đi màu xanh, để lộ ra những khoảng đất rộng khô khốc, nứt nẻ, nước không xâm tới, chim chẳng buồn đậu. Nhưng nếu nói rộng như vậy nhiều người sẽ bảo bị thần kinh, đó là quy luật của tự nhiên, rồi mọi sự sẽ phải như thế thôi. Thế thì hãy nhìn hẹp hơn một chút, mảnh vườn trống sau nhà, nơi giúp chúng ta có những bữa cơm ngon, canh ngọt giờ đây chỉ trơ lại sỏi đá khô cằn.
Hành động nhỏ sẽ mang lại thay đổi to. Hôm nay mình cải tạo một chút, ngày mai một chút, ngày kia rồi ngày sau nữa, vườn xanh lại được phục hồi. Và bom hạt giống sẽ giúp chúng ta làm điều đó. Mình rất thích cái tên “Bom hạt giống” – nó chính là những quả bom nổ chậm, hẹn giờ tái sinh.
Bom hạt giống thực sự là những viên đất được vo tròn lại, bên trong có chứa phân và hạt giống, trải qua quá trình phơi khô để giảm ẩm và làm cứng hạt. Nói đến đây chắc hẳn các bạn đã biết cách tạo ra một bom hạt giống sẽ cần những gì: Đất sét, phân và hạt giống. Mình đã làm theo công thức y hệt với cách mình hay làm bánh dày với mẹ. Cán mỏng đất sét ra, bỏ một chút phân trùn quế làm dinh dưỡng khi hạt nảy mầm, cuối cùng đặt một hạt giống vào bên trong và vo tròn chúng lại, phơi khô hai nắng, vậy là xong bom hạt giống. Mình gọi nó là món quà không bao giờ lỗi thời dành tặng mẹ thiên nhiên.
Chúng ta có xu hướng mang theo một cái gì đó khi rời khỏi chốn vừa tham quan, du lịch nhưng ít ai có suy nghĩ tặng lại cho mảnh đất mình đi qua. Bom hạt giống chính là món quà thích hợp nhất cho dù bạn đi đâu, đến bất cứ nơi nào, mẹ thiên nhiên vẫn vui vẻ đón nhận. Đợi khi mùa mưa đến, chúng sẽ được lột bỏ lớp áo giáp cứng cáp, vươn mình đón lấy nắng mai và phát triển.
Theo mình tìm hiểu, ở nước ngoài bom hạt giống đã trở thành một món hàng thương mại, nhưng Việt Nam thì chưa, khái niệm bom hạt giống vẫn chưa được lan truyền rộng rãi. Mình hy vọng tương lai không xa, bom hạt giống sẽ trở thành món đồ vật không thể thiếu trên hành trình của mỗi chúng ta.
* CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM:
[ISRAEL – CHUYỆN CHƯA KỂ 01] ĐI TÌM TRƯƠNG THỊ MỸ HẠNH
[THỰC TẬP SINH ISRAEL] GIỚI THIỆU FARM URI LEICHTMAN, RAMAT NEGEV
KINH NGHIỆM DU LỊCH ISRAEL TỰ TÚC
This page really has all of the info I wanted concerning this subject and didn’t know who to ask.
Thanks for reading my blog. Don’t hesitate if you have questions, I’m willing to help.